"Giao tiếp tiếng Anh tự tin & lưu loát chưa bao giờ dễ dàng đến thế!"

Liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương. Ảnh do gia đình cung cấp

Tháng 2-1973, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 chuyển về đóng quân tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lúc đó, anh Dương là Tiểu đoàn trưởng. Lán của tiểu đội thông tin chúng tôi cách lán của anh Dương khoảng 300m nên tôi thường được gặp anh. Tôi không thể quên lần cuối gặp anh. Đó là vào một buổi tối tháng 11-1974, tôi được thông báo sáng sớm hôm sau đến gặp Tiểu đoàn trưởng Dương, khi đi mang theo ba lô và nhớ trao lại khẩu AK-47 cho tiểu đội trưởng. Đêm đó, tôi lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, tôi đến gặp anh Dương, anh nói với tôi một cách trìu mến: “Đồng chí được giao nhiệm vụ mới”, rồi đưa cho tôi một tập hồ sơ gồm có giấy thuyên chuyển công tác và bản đánh giá toàn bộ quá trình công tác của tôi ở mặt trận. Anh nói: “Đi mạnh khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhé!” rồi bắt tay tôi. Hai ngày sau, từ Đông Hà, xe đưa tôi ra Bắc.

Khi các đồng đội của tôi tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 thì ở miền Bắc, tôi đang miệt mài với sách vở. Mãi đến năm 1977, khi đang học đại học dự bị tại Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx ở Leipzig (Cộng hòa dân chủ Đức), tôi nhận được thư của ba tôi có kèm thư của anh Lê Chiến, Trợ lý Quân lực Sư đoàn 325- đồng hương với tôi, báo tin Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương đã hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn. Lúc ấy, lòng tôi đau xót như mất đi một người thân.

Cuối năm 1981, sau khi tốt nghiệp đại học ở Cộng hòa dân chủ Đức,  tôi về nước, bắt đầu hành trình đi tìm các đồng đội đã đồng cam cộng khổ năm xưa và qua họ, tôi muốn biết nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình của anh Dương cũng như khoảnh khắc mà người chỉ huy của chúng tôi hy sinh.

Theo lời kể của các cựu chiến binh, trong đó có anh Hồ Duy Thiện, nguyên Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 101, tháng 4-1975, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 do anh Nguyễn Ánh Dương chỉ huy, cùng các đơn vị của Quân đoàn 2 hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Trên đường hành quân, anh Hồ Duy Thiện đi cùng xe với anh Dương nên được anh kể nhiều chuyện về gia đình. Anh tâm sự, cha mẹ anh mất sớm, vợ và con thì đang ốm nặng... nhưng không vì thế mà anh thoái thác nhiệm vụ. Thi thoảng có điều kiện, anh viết thư về động viên vợ con, người thân và nhờ mọi người giúp đỡ để anh yên tâm chiến đấu. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, Quân đoàn 2 từ hướng Đông Nam Sài Gòn tiến công các căn cứ địch ở Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành... Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 101) triển khai đánh sâu vào khu vực quận lỵ thì gặp phải sự kháng cự quyết liệt của địch ở Chi khu Long Thành. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương chỉ huy Tiểu đoàn 1 làm mũi thọc sâu, cùng với 5 xe tăng T54 đột phá, đánh chiếm quận lỵ Long Thành thắng lợi, mở đường cho các đoàn quân tiến về giải phóng thành phố. Trong khi truy quét tàn binh địch, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương bị địch bắn lén và hy sinh.

Gần 50 năm trôi đi, anh Đặng Đình Đán, quê ở Thái Bình kể với tôi rằng, anh đã đến thăm gia đình anh Dương ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nhiều lần. Lúc hy sinh, anh Dương mới 37 tuổi, để lại người vợ hiền là chị Nguyễn Thị Mến, con gái lớn là Nguyễn Thị Song-13 tuổi và con gái út Nguyễn Thị Xuyến mới 3 tuổi. Chị Mến không đi bước nữa, ở vậy nuôi con, đến nay hai cháu đều đã trưởng thành.